Gas dỏm vẫn tràn lan
Gửi lúc: 12.03.2013 15:18
Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu người tiêu dùng sử dụng phải bình gas bị hoán cải, chất lượng kém, nguy hiểm đến tính mạng?
Theo Chi hội Gas miền Nam, năm 2012, các cơ quan
chức năng đã phát hiện 38 vụ kinh doanh gas gian lận (riêng TP.HCM có 16
vụ), lập biên bản xử lý 15 cửa hàng kinh doanh gas, 14 xe vận chuyển
và chín trạm chiết nạp với tổng số 5.621 chai gas.
Gần nhất là vào cuối tháng 1 tại Đồng Nai, cơ sở
Văn Bồng bị phát hiện trong khi đang sang chiết lậu nhiều bình gas
của hơn 20 thương hiệu, tạm giữ gần 11.000 vỏ bình gas và
bình gas.
Hầu hết các bình gas sang chiết nạp trái phép
được chiếm dụng từ các thương hiệu khác nhau rồi hoán cải vỏ
bình. Việc làm này chứa đầy rủi ro nếu đem tiêu thụ trên thị
trường.
 Hàng ngàn bình gas sang chiết trái phép đang bị tạm giữ. Ảnh: TRẦN THẾ
30%-35% bình gas dân dụng là giả
Ông Hoàng Anh, Giám đốc Petrolimex Gas - Chi nhánh
TP.HCM, nhận định khoảng 30%-35% bình gas đang lưu hành trên thị trường
là giả.
Vậy vì sao tình trạng thất thoát vỏ bình, gas dỏm ngày càng tăng?
Bà Lê Thị Anh Mẫn, Chủ tịch Chi hội Gas miền
Nam, cho biết tình trạng chiếm dụng vỏ bình bắt nguồn từ sự trao
đổi vỏ bình gas tùy tiện giữa tổng đại lý với đại lý, đại
lý và người tiêu dùng (NTD). Nghĩa là bình gas không được trả
về đúng công ty gas. Từ đó, các đối tượng xấu lợi dụng lấy
vỏ bình của các công ty đem hoán cải, chi phí rẻ hơn so với mua
bình gas mới.
Hậu quả là NTD chịu thiệt, bình hoán cải chất lượng kém rất dễ gây cháy nổ.
Tại các khoản 4, 5 Điều 49 Nghị định 107 về kinh doanh khí hóa lỏng quy định, NTD
khi không có nhu cầu sử dụng phải trả bình gas cho chủ sở hữu thông
qua hệ thống cửa hàng, đại lý hoặc tổng đại lý, sau đó nhận lại tiền cọc
theo thỏa thuận, không được phép bán trước khi chuyển sang sử dụng
bình gas của thương nhân khác. Trường hợp chuyển sang dùng bình gas
của thương nhân khác phải thông báo cho cửa hàng gas trước đó để thu hồi
bình.
Thực tế, NTD khi mua gas đều phải mua cả bình
gas gồm cả nước lẫn vỏ, không có giấy ký cược vỏ bình. Khi
chuyển sang dùng thương hiệu khác, họ không gọi cho đại lý cũ trả vỏ
bình, đại lý cũ cũng không kiểm soát việc này nên NTD không được trả
tiền ký cược.
Ông Nguyễn Quang Trung, Giám đốc Công ty MT Gas,
thừa nhận không thể quản lý được các đại lý gas. Công ty chỉ
kiểm soát phiếu ký cược đến tổng đại lý, còn giai đoạn từ đại
lý cấp 2, cấp 3 đến NTD thì bị bỏ ngỏ.
Ông Hoàng Anh (Petrolimex Gas) cũng nói theo quy
định thì các DN đầu mối quy định giá gas và quản lý giá thế
chân. Tuy nhiên, không phải tất cả DN đầu mối đều có hệ thống
phân phối, họ chỉ thông qua tổng đại lý rồi tổng đại lý bỏ cho đại lý…
nên khó tránh sơ suất trong quá trình kiểm soát.
Như vậy, trước hết bản thân NTD cần được thông tin về
vấn đề này để từ đó có ý thức trả bình gas về đúng đại lý đã mua.
Nhưng nhận thức của NTD thôi chưa đủ, quan trọng là việc xác định và
ngăn chặn tình trạng hoán đổi bình gas vô tội vạ.
Việc lấy bình gas của thương hiệu khác đã rõ nhưng các cơ sở sang chiết lậu lấy nguồn gas từ đâu?
Theo bà Mẫn (Chi hội Gas miền Nam), cái vướng là
tình trạng các trạm chiết độc lập ra giấy phép nhiều, dẫn
đến không ai quản lý sang chiết nạp gas. Phải dẹp bỏ các trạm
sang chiết nạp này. Nhiều trạm có giấy phép đàng hoàng nhưng đi
mua gas với lượng lớn hơn số vỏ bình thực tế rồi đi sang chiết
nạp cho các thương hiệu không có trong hợp đồng…
Xử lý thiếu quyết liệt
Một vấn đề đáng lưu ý khác là đã có nhiều vụ phát
hiện số lượng lớn vỏ bình chiếm dụng nhưng lại không thể khởi
tố hình sự được.
Đại diện Chi hội Gas miền Nam cho biết quan
trọng là các cơ quan chức năng phải quyết liệt, bắt quả tang tại
chỗ và tìm được bằng chứng. Thường các cơ sở gas lậu không có
hóa đơn chứng từ, điều tra rất mất thời gian, đòi hỏi tâm
huyết và kiên trì mới làm được.
Ví dụ, vỏ bình gas hoán cải do Gas TT chiếm dụng,
thực hiện được tìm thấy trên thị trường. Nhưng khi đoàn liên ngành
của tỉnh tới hiện trường thì không phát hiện vỏ bình hoán cải
nào. Ở đây dường như có sự kiểm tra chưa nghiêm túc nên không
bắt được quả tang việc hoán cải, đơn vị này có thể chối bỏ.
Bức xúc về vấn đề này, bà Mẫn cho hay nhiều
khi báo thì cơ quan chức năng mới bắt và chỉ bắt phần nào đó
rồi cuối cùng xử nhẹ.
Chẳng hạn, vụ Tuấn Miền Đông, dù đã có biên
bản kết luận chiếm 103 bình gas nhưng không khởi tố tội xâm phạm
quyền sở hữu công nghiệp mà khởi tố tội kinh doanh trái phép.
Rõ ràng việc các cơ quan chức năng chưa làm
hết trách nhiệm gây khó khăn cho các công ty gas. Có vụ phải mất
cả năm trời mới khởi tố. Phần lớn các trường hợp khác được
xử phạt hành chính. Trong khi theo luật hình sự, việc sang
chiết lậu là làm hàng giả.
Cần tăng giám sát trạm chiết nạp thuê
Chúng tôi sẽ kiến nghị tăng cường giám sát các
trạm chiết nạp thuê, không nên để tồn tại các trạm sang chiết
nạp thuê độc lập mà phải thuộc hệ thống đầu mối nào đó. Đề nghị đã
được đưa lên Bộ Công Thương nhiều lần nhưng tiến độ hoàn chỉnh
hành lang pháp lý chậm quá!
Bà LÊ THỊ ANH MẪN, Chủ tịch Chi hội Gas miền Nam
(Theo xaluan.com) |